Có rất nhiều bố mẹ trầm trồ khi thấy con nhà người ta ngồi lên đàn và chơi những bản nhạc cực kỳ nhanh, dù đôi khi những bản nhạc đó không cần thiết phải nhanh như vậy. Họ mặc định đó là giỏi, con của họ nhất định phải đánh đàn nhanh được như vậy mới là siêu, học bài chậm nhất quyết từ chối vì dễ quá. Không ít thầy cô đã gặp khó khăn khi giao bài cho học sinh vì quan niệm này từ phía phụ huynh.
❣Làm thế nào để biết được người khác có giỏi hay không?
Khi kiểm tra trình độ chuyên môn, các thầy cô không cần phải nghe hết trọn vẹn 1 tác phẩm mới có thể đánh giá được trình độ của học sinh. Cũng giống như bác sĩ, khám bệnh chỉ cần hỏi qua vài câu và quan sát, nhìn tưởng không khám gì nhưng với những kiến thức chuyên môn của họ thì nhìn là ra bệnh.
Không phải bất cứ tác phẩm âm nhạc nào cũng được chơi với tốc độ nhanh. Trong âm nhạc, tốc độ được phân chia ra nhiều loại: Rất nhanh, nhanh, nhanh vừa, bình thường, thong thả, chậm vừa, chậm , rất chậm … Tuỳ thuộc vào ý đồ của tác giả mà tác phẩm được quy định chơi ở tốc độ nào.
Giỏi hay không giỏi chỉ có thể do những người có chuyên môn nhận định. Nếu là người ngoài ngành không có chuyên môn hay chỉ biết sơ sơ thì việc đánh giá này hoàn toàn KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ!
❣Vậy học đàn khó nhất ở đâu?
Học đàn không chỉ là việc ngồi lên đọc nốt, vỡ bài chơi được thuộc lòng từ đầu đến cuối bài là xong chuyện. Khi đó bạn mới chỉ dừng lại ở mức chơi đàn theo đúng nghĩa của từ “ chơi “.
Với mình, khái niệm về Khó và Dễ trong âm nhạc không thể tuyệt đối. Nếu là về kĩ thuật thì có thể so sánh ngay lập tức, nhưng kĩ thuật chỉ là một phần quan trọng trong cấu trúc hình thành 1 tác phẩm âm nhạc. Âm nhạc không chỉ có kĩ thuật.
1 tác phẩm luôn có sự xuất hiện của 3 yếu tố:
- Kĩ thuật : Thể hiện độ khó dễ của bài
- Nội dung: Thể hiện nội dung của tác phẩm.
- Hình ảnh : Phản ánh về nội dung qua hình ảnh bằng trí tưởng tượng dựa trên nội dung của tác phẩm đó.
Có những tác phẩm sử dụng những kĩ thuật cực khó và cao siêu, sẽ chỉ có số ít những nghệ sĩ hoàn thiện được phần kĩ thuật này.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều những tác phẩm không khó về mặt kĩ thuật nhưng cực khó biểu đạt về nội dung. Để hiểu và xử lý được âm thanh theo ý muốn mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện ( vài năm đến vài chục năm ) Thời gian hoàn thiện sẽ tính bằng số năm kinh nghiệm của người chơi + với sự trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc trong cuộc sống. Một người luôn hạnh phúc, tâm trạng luôn vui vẻ sẽ khó có được những cảm giác trải nghiệm chân thật về đau thương để thể hiện 1 tác phẩm mang tính bi kịch.
Ví dụ : Tác phẩm Thư Gửi Elise của nhạc sĩ Beethoven.
- Về kĩ thuật, đây không phải là một tác phẩm có kĩ thuật quá khó. Đối với những người mới học, có thể tự mày mò theo trí nhớ đánh được đoạn giai điệu quen thuộc.
- Về nội dung, đây là một câu chuyện tình yêu được viết bằng âm nhạc về tình yêu đơn phương của người nhạc sĩ dành cho người con gái ông yêu.
- Về hình ảnh, khi chơi bài này, dựa vào nội dung của tác phẩm, người chơi sẽ hình dung ra câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ để từ đó cảm nhận được hơi thở , linh hồn của tác phẩm, truyền tải được cảm xúc lên những ngón tay của mình.
Tác phẩm này được viết trong không gian tĩnh lặng của người nhạc sĩ , khi đó ông đã bị điếc. Một mối tình câm không được đáp lại nhưng giai điệu không hề mang tính bi ai oán trách, thay vào đó là tình yêu sâu đậm, da diết và trong sáng của một người đàn ông từng trải.
Để chơi được 1 tác phẩm hay, người chơi ngoài việc hoàn thiện về mặt kĩ thuật sẽ phải hiểu rõ hoàn cảnh ra đời của tác phẩm , nội dung của tác phẩm, phân tích cấu trúc của tác phẩm, sau đó dựa trên cảm nhận của riêng mình để tập và biểu diễn tác phẩm đó trên đôi bàn tay của mình, và vẫn phải tuân thủ tuyệt đối ý đồ của tác giả.
Vậy học đàn có khó không? Câu này ai cũng trả lời được sau khi đọc bài này
Ta có giỏi hay không? Hãy để những nhà chuyên môn đưa ra nhận xét. Đương nhiên, những nhận xét đó dù là khen hay chê cũng cần phải có cơ sở để chứng minh.
Điều quan trọng nhất, các thầy cô luôn mong muốn nhận lại sự tôn trọng từ phía quý vị phụ huynh để có thể rèn luyện và hướng dẫn học sinh theo cách của mình thay vì việc phụ huynh định hướng cho thầy cô cách dạy đó ạ
Tác giả: Si Nguyen